Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

No 16: Vướng mắc còn lại về hậu duệ của ông Hồ

Trong bài “Sự thật về ông Hồ Chí Minh” (phần I và II ), người viết có một phần nhận định về ông Hồ như sau:

Ông không có ý niệm về một mái ấm gia đình tuy rằng ít nhất trong đời ông có hai người đàn bà trong nhiều người đàn bà từng ăn nằm với ông với tư cách là vợ chồng và có hai người gọi ông bằng bố, nhưng hai người đàn bà ấy đã không được phép gọi ông là chồng cũng như hai người con không được phép nhận ông là cha. Đó là bà Tăng Tuyết Minh, bà Nông Thị Xuân, ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tất Trung. Ông xem thường tình yêu dù rằng hoạt động sinh lý của ông bình thường như bao người, ông không tôn trọng phụ nữ, ông thờ ơ với giòng tộc huyết thống, với làng xưa xóm cũ, với tình yêu dân thương nước chân thật. Đối với ông chỉ sự nghiệp “cách mạng vô sản” là trên hết dù chính ông cũng biết rằng đây là một sự nghiệp đầy máu và nước mắt của dân lành.

Ở phần này sở dĩ người viết chỉ đề cập đến ông Nông Đức Mạnh mà không đề cập đến thân mẫu của ông bởi vì không như bà Nông Thị Xuân, thân mẫu của ông lại là người tự nguyện ăn nằm với ông Hồ mà chẳng đòi hỏi một điều kiện “danh nghĩa” tối thiểu nào, dù là đã có con với ông, thậm chí bà còn đồng lõa “ngậm miệng ăn tiền” im lặng giữ bí mật chuyện chung chạ gối chăn này. Phải chăng chính nhờ vậy mà bà chẳng những đã thoát chết thậm chí còn được thăng quan tiến chức cho chính bản thân mình mà còn cho cả con mình sau này.

Trong bản kê khai lý lịch chính thức của Tổng bí Thư đảng CSViệt Nam Nông Đức Mạnh, ông đã cho biết cha mẹ ông là nông dân Tày, cha ông tên là Nông Văn Lai và mẹ ông là Hoàng Thị Nhị. Ông sinh ngày 11 tháng 9 năm 1940 ở xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, tham gia hoạt động cách mạng năm 1958, rồi vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 5 tháng 7 năm 1963.

Thế nhưng trong tạp chí “Thế Giới Mới”, cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, số 434 xuất bản ngày 30 tháng 4 năm 2001 có đăng bài “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong ký ức của một người thầy” nhân dịp lần đầu tiên ông Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài đăng đã viết về cảm tưởng của thầy giáo La Văn Ngâm dạy cấp 2 nói về người học trò cũ của mình là Nông Đức Mạnh. Bài có đoạn tả thầy giáo này tìm đến nhà bà Nông Thị Trưng, thân mẫu của ông Nông Đức Mạnh, trong đó có ghi rõ chú thích của tạp chí: “bà Nông Thị Trưng là thân mẫu đồng chí Nông Đức Mạnh”.

Bài đăng đã nói rõ tên mẹ đẻ của ông Nông Đức Mạnh và đã không có một phủ nhận nào từ phía ông Nông Đức Mạnh cũng như của đảng CSViệt Nam mà ông là người đứng đầu dù rằng nó đã không đúng với lý lịch họ tên của mẹ mình như ông đã kê khai. Với thực tế như vậy người ta có quyền khẳng định rằng “tin đồn” và “tự hiểu ngầm” đã đồng thuận với nhau và đã cùng nhau phơi bày sự thật. Cũng từ đây người ta có quyền tin một cách thuyết phục rằng mẹ của ông Nông Đức Mạnh tên là Nông Thị Trưng chứ không phải là Hoàng Thị Nhị như ông đã ghi trong lý lịch. Như vậy phần mẹ đẻ của ông Nông Đức Mạnh xem như đã được khai thông.

Có một điều, cũng cần đặt câu hỏi là nếu họ của thân mẫu ông Nông Đức Mạnh là họ Hoàng như ông đã kê khai thì lại trùng với họ Hoàng, thân mẫu của ông Hồ, bà Hoàng Thị Loan, đây là một trùng hợp ngẫu nhiên hay có ẩn ý gì chăng? Hơn thế, giữa hai tên Nhị và Trưng (HoàngThịNhị và NôngThịTrưng) cho một người đã như có một sự xắp xếp đầy tính toán lại không phải thêm một ẩn ý nữa hay sao?

Bước sang phần tin đồn ông Hồ Chí Minh là cha đẻ của ông Nông Đức Mạnh. Thật ra tin đồn này đã có từ lâu nhưng nó bùng nổ ngay sau khi ông Nông Đức Mạnh được đảng tiến cử giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa IX năm 1992. Thế nhưng trên giấy trắng mực đen tên của cha ông vẫn là Nông Văn Lai. Mâu thuẫn này cũng cần được tháo gỡ.

Tại cuộc họp báo bế mạc đại hội Đảng vào tháng 4 năm 2001 sau khi ông Nông Đức Mạnh nhậm chức Tổng Bí thư đảng CSViệt Nam, phóng viên của tờ San Jose Mercury News đã phỏng vấn ông về tin đồn ông là con của ông Hồ Chí Minh, câu hỏi này đã không được ông trả lời dứt khoát là “có đúng vậy” hay “không đúng vậy” mà chỉ úp mở nói rằng: “Ở Việt Nam ai cũng là con là cháu của Bác Hồ”.

Với câu trả lời kiểu này, các nhà tâm lý học cũng cần phân tích xem như thế nào.

Cũng trong một cuộc phỏng vấn dành cho đại diện báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam năm 2002, phóng viên tờ tuần báo Time Asia cũng đã đưa ra câu hỏi tương tự và một lần nữa chẳng những đã được ông trả lời úp mở mà còn bị hỏi lại là “không hiểu được tại sao tin đồn vẫn tồn tại?! Phải chăng lối trả lời úp mở này cũng là mẹo chính trị “người khôn ăn nói nửa chừng….” nhằm củng cố địa vị của mình đối với hầu hết đảng viên qua chiêu bài huyết thống? Nghĩa là ở mặt nổi ông Nông Đức Mạnh không được phép nói lên sự thực nhưng ở mặt chìm ông vẫn muốn mọi người biết được sự thực này.

Nhằm sáng tỏ được vấn đề, việc trước tiên là cần tìm hiểu bà NôngThị Trưng là ai? Mối liên hệ giữa bà với ông Hồ là như thế nào? Để rồi từ đây có được những giải thích hợp tình hợp lý mà truy ra sự thật.

Bà Nông Thị Trưng Tên thật là Nông Thị Bày, cũng có tài liệu ghi là Nông Thị Ngát, sinh ngày 6 tháng 12 năm 1920 tại tại Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bà mất ngày 26 tháng 1 năm 2003 cũng tại tỉnh Cao Bằng. Chồng bà là ông Nông Văn Lai một cán bộ Việt Minh cùng hoạt động với bà vào những năm 1930, đã mất năm 1986. Bà có bốn người con trai và một người con gái. Theo tài liệu cung cấp từ đảng CSViệt Nam và cũng theo tài liệu này bà là một trong những cán bộ được liên lạc trực tiếp với ông Hồ năm 1941 và là người được ông Hồ giới thiệu vào Đảng tháng 8 năm 1943, nghĩa là bà tham gia cách mạng lúc bà 23 tuổi, hoạt động trong Tổ chức Thanh niên làm nhiệm vụ giao thông liên lạc bí mật cho đảng CSViệt Nam. Chức vụ cuối cùng của bà là Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Theo hồi ký của thiếu tướng Lê Quảng Ba người đã đựợc dân dã truyền miệng rằng ông tướng này trước kia theo thổ phỉ sau giác ngộ cách mạng theo Việt Minh đã lập được nhiều công trận.

Hoan hô anh Lê Quảng Ba
Trước là thổ phỉ sau ra hàng mình

Hồi ký của ông có đoạn viết:
Trước có Nông Thị Trưng là đội viên du kích trẻ tuổi nhất trong đội du kích đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, do Lê Thiết Hùng chỉ huy.

Trong vòng tám tháng vào năm 1941-1942, bà đã làm giao liên cho “Già Thu”, bí danh của Hồ Chí Minh lúc đó. Tên Trưng của bà do “Già Thu” đặt, có ý muốn bà noi gương Trưng Trắc, Trưng Nhị. Bà đã được Già Thu kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941.

Trên tờ báo xuân Phụ Nữ năm Đinh Sửu 1997 xuất bản trong nước một bài viết có tựa đề “Cô học trò nhỏ của Bác Hồ” được tác giả Thiên Lý viết theo lời kể của chính Nông Thị Trưng có đoạn:

“Tháng 7 năm 1941, được tin (chính quyền) châu Hà Quảng đưa lính cơ tới bắt, ngay đêm ấy tôi trốn ra rừng, rồi được Châu uỷ đem qua Bình Mãng (Trung Quốc) lánh nạn tại nhà một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một hôm đồng chí Lê Quảng Ba và Vũ Anh đến đón tôi từ Trung Quốc về Pắc Bó gặp Bác.

Về Pắc Bó đã nửa đêm, anh Đại Lâm người giữ trạm đầu nguồn đưa ngay chúng tôi đi gặp “ông Ké”. Lội ngược suối càng đi nước càng sâu, khi đến thác thứ ba, anh Đại Lâm thổi sáo, từ trên thác có thang tre thả xuống. Trèo thang lên, thấy một cái lán dựng ngay trên bờ suối. Trong lán có ông cụ ngồi đọc sách. Tôi chắp tay “Cháu chào cụ ạ”. Ông cụ nhìn lên, hai mắt rất sáng, ân cần bảo: “Cháu đến rồi à, cháu ngồi xuống đây nói chuyện”. Tôi nhìn xuống sàn, thấy toàn cây to bằng bắp chân. Cụ bảo hai lần tôi mới dám ngồi. Cụ tỉ mỉ hỏi gia cảnh, rồi khuyên tôi: “Từ nay cháu đã có một gia đình lớn là gia đình cách mạng, đừng luyến tiếc gia đình nhỏ nữa. Cháu cặm cụi làm ăn cũng không đủ để nộp sưu thuế đâu. Mình lấy lại được nước rồi từng gia đình sẽ được đàng hoàng. Từ nay ai hỏi thì cháu nói mình là cháu chú Thu, tên Trưng”. Bác đặt tên ấy là muốn tôi noi theo gương bà Trưng.
Nông Thị Trưng đã học tập lý luận cách mạng cùng “Già Thu” trong khoảng 8 tháng.

“Từ đấy tôi ở lại lán anh Đại Lâm, mỗi ngày vào lán của Bác một giờ để học tập. Bác dạy cho tôi từ chuyện thế giới, chuyện cộng sản chủ nghĩa đến cả những cách ứng xử thường ngày như “Đừng làm một việc gì có thể khiến dân mất lòng tin. Mượn một cái kim, một con dao, một buổi là phải đem trả. Trong ba lô nếu có màn, phải để ở ngoài cửa, hỏi xem chủ nhà có bằng lòng mới đem vào. Cháu là nữ, trước bàn thờ có cái giường để các cụ ngồi ăn cỗ, cháu không được ngồi…”. Tám tháng được Bác chỉ dạy tôi học được hơn cả mấy chục năm học lý luận tập trung sau này”.

Những lời kể trên có một điểm cần chú ý: Nông Thị Trưng đã học tập lý luận cách mạng cùng “Già Thu” trong khoảng 8 tháng. “Từ đấy tôi ở lại lán anh Đại Lâm, mỗi ngày vào lán của Bác một giờ để học tập”.

Tuổi ông Hồ lúc bấy giờ cũng chỉ tròn trèm 49 hay 51 (theo lý lịch chính thức, ông Hồ sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 hay trong đơn xin học trường hành chính thuộc địa, năm 1911, ông tự ghi là sinh năm 1892). Xin thử đặt câu hỏi là, với một người đàn ông đang tuổi trung niên ở trong vùng sâu của núi rừng, thiếu thốn mọi quan hệ tình cảm nam nữ thế mà có một cô gái thanh xuân hàng ngày tự nguyện đến gặp mình để học tập bằng cả tấm lòng ngưỡng mộ thì khả năng quan hệ tình cảm giữa hai người có thể xảy ra không? Đứng trên cái nhìn tự nhiên của một cuộc sống đời thường.

Vào năm 2003 việc báo Nhân Dân đăng tin buồn khi bà qua đời, với một nữ đảng viên chỉ giữ chức vụ thuộc cấp tỉnh, không phải là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy vị trí đặc biệt của bà là như thế nào. Sau đây là nguyên văn bài báo:

Thông báo bà Nông Thị Trưng qua đời trên báo Nhân Dân.

Bà Nông Thị Trưng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng, người đảng viên do Bác Hồ, Chủ tịch Đảng trực tiếp giới thiệu vào Đảng năm 1941 tại Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), đã từ trần hồi 8 giờ 40 ngày 26-1-2003 tại thị xã Cao Bằng do bệnh hiểm nghèo, thọ 83 tuổi. Bà được nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Bằng có công với nước, Huân chương Độc lập hạng 3, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Sự ra đi của bà để lại lòng tiếc thương vô hạn của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Bà Nông Thị Trưng (tức Nông Thị Bày), dân tộc Tày, sinh ngày 6-12-1920 tại Phù Ngọc, Hà Quảng, Cao Bằng. Tháng 8-1943, bà tham gia cách mạng, hoạt động trong Tổ chức Thanh niên làm nhiệm vụ giao thông liên lạc bí mật của Đảng. Năm 1941, bà là một trong những cán bộ được liên lạc trực tiếp với Bác Hồ và là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu vào Đảng năm 1941, khi đó bà còn là một thanh niên mới lớn, chưa biết chữ cần phải học. Bác Hồ đã gửi vở cho bà học chữ kèm theo bốn câu thơ mà trước đây đã là một trong những bài tập đọc lớp 1 phổ thông:

Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu gắng công mà học tập
Mai sau xây dựng nước non nhà.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, bà Nông Thị Trưng đã suốt đời học tập, phấn đấu rèn luyện trở thành một cán bộ mẫu mực.

Riêng về phần ông Nông Đức Mạnh nếu chỉ là con trong một gia đình dân tộc Tày bình thường như ông đã khai trong lý lịch thì làm thế nào mà ông tự phấn đấu để trèo lên đến chức Tổng bí thư đảng CSViệt Nam, một chức vụ quan trọng nhất nước trong chế độ độc tài đảng trị này? Trong khi tài sức của ông chỉ ở dạng bình thường? Điểm qua các chế độ độc tài trên thế giới mà nhất là chế độ độc tài CS đã cho chúng ta có một cái nhìn “bão hòa” rằng chuyện cha truyền con nối theo kiểu phong kiến đã không lạ lẫm gì. Nhìn lại các nước Á Đông sự truyền ngôi cho nhau đã là một thực tế: Kim Nhật Thành – Kim Chính Nhật (con); Lý Quang Diệu – Lý Hiển Long (con); Tưởng Giới Thạch – Tưởng Kinh Quốc (con); Mao Trạch Đông – Hoa Quốc Phong (con nuôi); Indira Gandi – Rajiv Gandi (con) và hiện nay tại Cu Ba Fidel Castro – Raul Castro (em) thì việc ông Hồ Chí Minh và Nông Đức Mạnh của đảng cầm quyền độc tài toàn trị Việt Nam cũng không là một ngoại lệ tuy có phần tinh vi hơn nhưng vẫn phản ảnh đầy đủ tính nối tiếp chân truyền “độc đáo” này.

Việc ông Nông Đức Mạnh là con của ông Hồ chí Minh chỉ còn một vướng mắc cuối cùng cũng cần được tháo gỡ. Theo như trong lý lịch mà ông Nông Đức Mạnh đã kê khai, ông sinh vào tháng 9 năm 1940 còn bà Nông Thị Trưng thì gặp được ông Hồ cho dù sớm nhất cũng phải là 1 năm sau ngày sinh này của ông, như vậy có nghĩa là ngày ông ra đời như tin đồn so với khai sinh có chênh lệch cách biệt gần 2 năm. Sự kiện này lý giải như thế nào đây? Tuy nhiên ở bản khai lý lịch họ tên cha mẹ mình của ông, ông đã không khai đúng với sự thực, nghĩ rằng chính cái không thực này tự nó đã giải quyết được vướng mắc trên.

Falsehoods not only disagree with truths, but usually quarrel among them selves (Daniel Webster), xin tạm dịch: Sự dối trá không những chỉ mâu thuẫn với sự thật mà thường tự nó mâu thuẫn lẫn nhau.

Bước qua tin đồn Nguyễn Tất Trung là con của ông Hồ và bà Nông Thị Xuân thì cách đây gần 2 năm rưỡi trong bài viết “Nguyễn Tất Trung – Bi kịch của thời đại” do Nguyễn Thái Hoàng (Trần Khải Thanh Thủy) phổ biến, đã nói thêm những chi tiết về nhân vật Nguyễn Tất Trung đăng trên diễn đàn ĐCV 2/10/2005 có đề cập đến chuyện này.

Ông Nguyễn Minh Cần nguyên phó bí thư thành ủy thành phố Hà Nội hiện đang định cư tại Moscow cũng là nhân chứng sống cũng đã có những tiết lộ về sự thật của cuộc thảm sát này.

Gần đây ông Bùi Tín có phổ biến trong bài viết của mình dưới nhan đề là “Không thể bất công kéo dài đến vậy“

Ông đã cho biết: “…trong các triều đình cộng sản, thật với giả, giả với thật cứ lộn nhèo với nhau, nhiều chuyện khó tin nhất có khi lại là thật, có chuyện ngỡ là của thiệt lại là của giả…”

Người viết xin trích một phần trong bài viết:

Một trong những nạn nhân bi thảm kéo dài nhất của kiểu lừa dối trên đây là anh Nguyễn Tất Trung, con của ông Hồ Chí Minh và cô Nông Thị Xuân, một cô gái Tày quê ở làng Nà Mạ, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Cô được Trần Đăng Ninh, chủ nhiệm hậu cần quân đội chọn rồi đưa về Hà Nội nhằm “phục vụ” ông Hồ. Cô được bộ công an của Trần Quốc Hoàn quản lý, giấu tại ngôi nhà số 66 phố Hàng Bông thợ nhuộm, để hàng tuần đưa vào phục vụ ông Hồ một hai đêm. Mối quan hệ ấy đưa đến kết quả là cô Xuân cho ra đời vào cuối năm 1956 một cháu bé được ông Hồ đặt tên là Nguyễn Tất Trung theo họ cũ của mình (Nguyễn Tất Thành).

Trần Quốc Hoàn nổi tiếng dâm loạn, đã nhiều lần cưỡng hiếp cô Xuân, bị cô chống lại quyết liệt, có cô Vàng là em họ ở cùng phòng với cô Xuân biết rõ. Nhiều lần con quỷ râu xanh này trói cô Xuân vào giường để cưỡng hiếp, hắn còn đe dọa hai cô không được hé môi nói với ai, nhất là không được bẩm báo ông Hồ. Hoàn còn giương súng ngắn đe nẹt hai cô rằng: “chúng mày liệu hồn, đến ông Hồ cũng nằm trong tay tao đây, hiểu chưa?”. Thế rồi sau một cuộc cưỡng hiếp cực kỳ thô bạo, tên Hoàn sợ rằng cô Xuân sẽ báo với ông Hồ, Hoàn liền dựng lên một tai nạn xe ô tô trên đường đê gần làng Chèm vào tờ mờ sáng để thủ tiêu cô. Ông Nguyễn Minh Cần lúc ấy là phó chủ tịch uỷ ban nhân dân Hà Nội đã biết rõ vụ án mạng này, với những biên bản khám mổ tử thi của bệnh viện Việt – Đức. Sau đó cô Vàng bị đuổi về Cao Bằng và “chết đuối” trong một nghi án trên sông Bằng Giang; chồng chưa cưới của cô Vàng khẳng định hung thủ là tay chân của Trần Quốc Hoàn, kẻ sát nhân muốn bịt hết kẽ hở về tội ác của mình.

Ông còn viết tiếp

Đã 51 năm nay, hơn nửa thế kỷ, anh Trung sống lay lắt về mặt pháp lý, không có giấy khai sinh thật, không được nhận cha đẻ của mình, không được nhận mẹ đẻ của mình, chưa được một lần thăm mộ và thắp hương trên mộ mẹ; anh không được về quê hương bản quán quê nội cũng như quê ngoại để nhận bà con họ hàng, không được biết, và dù biết cũng không được nhận ai là ông bà, chú bác, anh chị em, con cháu ruột thịt của mình.

Cũng như bài viết mới đây nhất của Xuân [Vĩnh] Phúc đăng trên ĐCV ngày 22 tháng 02 năm 2008 với tựa đề “Chánh phạm giết Nguyễn Thị Xuân là ai?” đã khẳng định một cách thuyết phục rằng ai “trồng khoai đất” này ngoài ông Hồ.

Im lặng khi người cùng chăn gối với mình bị thủ tiêu hoặc đồng lõa với thủ phạm để rồi bỏ rơi con của mình lăn lóc sống trong một xã hội mà quyền lực còn nằm ở trong tay mình mà không chút chao lòng thì quả là sợ thật. Thử hỏi với một người như vậy có phải là người tử tế không? chứ nói chi đến những mẫu mực xa xôi khác.

Nhân đây người viết xin kể một câu chuyện có thật để lấy đó làm so sánh mà đánh giá thêm về tư cách đạo đức của ông Hồ.

Câu chuyện khởi đi từ nước Cộng Hòa Trung Phi giàu có về nguồn tài nguyên kim cương vào đầu thập niên 70.

Trước đó gần 30 năm, Jean-Bédel Bokassa nguyên là một hạ sĩ quan trong quân đội viễn chinh Pháp, ông phục vụ trong quân lực nước này tổng cộng là 22 năm (1939-1961). Năm 1964 rời nước Pháp trở về quê hương của ông là Trung Phi tổ chức và và nắm giữ chức tư lệnh quân lực nước này. Năm 1966 ông đã cầm đầu quân đội làm cuộc đảo chánh cướp chính quyền và lên làm vua.

Những năm phục vụ ở Việt Nam, trong mối quan hệ nhân tình ông đã gửi lại Sài Gòn một giọt máu rơi. Không đành lòng để con mình sống lăn lóc trong hoàn cảnh mồ côi cha ở Việt Nam, ông cố lòng tìm lại và đưa ra đề nghị sẽ hậu tạ nếu ai tìm được cô con gái này của ông.

Qua nhân viên ngoại giao sứ quán của một nước (?) ở Sài Gòn lúc bấy giờ đã cho biết là đã tìm được con gái của ông và đưa sang cho ông. Lẽ dĩ nhiên “sứ giả” được đón tiếp nồng nhiệt và được trả công hậu hĩnh. Người con gái da đen xấu số đang sống lam lũ ở một xóm lao động của thành phố Sài Gòn, bỗng nhiên trở thành “ái nữ” của một ông vua. Báo chí Việt Nam lúc bấy giờ mệnh danh cô là Công chúa Lọ Lem thời đại.

Chẳng bao lâu sau, chủ nhiệm nhật báo Trắng Đen, một nhật báo có số lượng độc giả hùng hậu lúc bấy giờ đã phổ biến một tin trên đầu trang làm cho số báo ngày ấy bán chạy như tôm tươi và hết sạch sành sanh “Tìm được cô con gái thật của vua Bokassa” chẳng những thế mà còn chụp cả ảnh cô gái da đen đang vác xi măng dưới bến tàu cùng những bằng chứng xác thực cô tên là Martine Bokassa con của cựu trung sĩ Jean-Bédel Bokassa năm nào, đây mới chính là người con gái mà vua Bokassa muốn tìm.

Ông Việt Định Phương, chủ nhiệm tờ báo Trắng Đen, cầm đầu phái đoàn nhận lãnh “sứ mạng” đưa cô gái ấy sang Trung Phi. Cùng đi với ông Việt Định Phương còn có bà mẹ của cô gái.

Vua Bokassa gặp lại người tình cũ và thừa nhận cô Martine Bokassa đúng là con của mình. Tuy thế, ông vẫn cho cô gái nhận lầm trước đó làm con nuôi.

Qua câu chuyện thật đầy kịch tính này, ở một chừng mực nào đó nhất là phương diện nhân bản, người ta không thể nào xúc phạm được tư cách đạo đức của nhà lãnh đạo độc tài Trung Phi này, sự thành thật đã chứng minh được điều này. Herbert có nói: Hãy chỉ cho tôi một tên nói láo, tôi sẽ chỉ cho bạn một tên ăn trộm (Show me a lier, and I will show thee a thief).

Xem ra tư cách đạo đức của ông Hồ đã không thể nào với tới vai tư cách đạo đức của ông Bokassa, một hạ sĩ quan người da đen lính Lê Dương, một loại lính mà đảng CS Việt Nam thường dùng từ ngữ xếch mé và miệt thị “lính đánh thuê Lê Dương”. Ngẫm chuyện của ông Bokassa nghĩ đến chuyện ông Hồ mà ngán ngẩm. Ấy vậy mà trong nước đảng CSViệt Nam vẫn mãi tiếp tục trò lừa mị kêu gọi toàn đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục học tập tư tưởng và đạo đức của ông Hồ.


Sông Lô

DCVOnline – Ngày: 28-02-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=4722

Ý kiến Bạn đọc
(DCVOnline không chịu trách nhiệm về nội dung của những ý kiến đóng góp từ bạn đọc)

(Chúng tôi chọn một số ý kiến c

Không có nhận xét nào: